BẢN TUYÊN NGÔN
của
THÁNH BỘ TÍN LÝ ĐỨC TIN
về

 VAI TRÒ CHUYÊN NHẤT CỦA CHÚA KITÔ VÀ GIÁO HỘI

 

 

  Giáo Hội Công Giáo, kể từ Công Đồng Chung Vaticanô II, đã phát động và hết sức nỗ lực thực hiện việc Đại Kết Kitô Giáo khẩn thiết, để có thể phục hồi tình trạng Giáo Hội Chúa Kitô hoàn toàn được hiệp nhất nên một như ý muốn của Chúa Kitô, cũng như để khỏi gây ngãng trở trong việc truyền giáo, và trong giáo triều của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã đẩy mạnh việc Đối Thoại Liên Tôn hơn bao giờ hết. Thế mà, Tòa Thánh, qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, vừa chính thức ban bố một văn kiện, như phản ứng của một số nhân vật cho thấy, một văn kiện có thể gây nguy hại đến tiến trình Đại Kết Kitô Giáo đang xích lại gần nhau, cũng như đến công cuộc Đối Thoại Liên Tôn đang diễn tiến tốt đẹp. Vậy:

 

1.      Bản văn kiện này là gì?

2.      Tại sao được phổ biến??

3.      Nội dung như thế nào???

 

BẢN CHẤT CỦA VĂN KIỆN

 

Sáng ngày 5 tháng 9 năm 2000, tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã cho phổ biến một Bản Tuyên Ngôn mang tựa đề “Chúa Giêsu - Dominus Jesus”, liên quan đến Duy Nhất Tính của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội cùng Phổ Quát Tính Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội. Hiện diện trong cuộc họp báo để ban bố  văn kiện lịch sử quan trọng này, người ta thấy có Đức Hồng Y Tổng Trưởng, Giuse Ratzinger, Tổng Thư Ký Thánh Bộ, Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, SDB, và hai vị tham vấn là Đức Ông Fernando Ocariz và Cha Angelo Amato, SDB.

 

Trong phần vấn đáp trước khi kết thúc cuộc họp báo, có hai vấn đề tế nhị được các phóng viên báo chí nêu lên. Vấn đề thứ nhất là bức văn kiện có thể gây nguy hại cho việc Đại Kết Kitô Giáo và Đối Thoại Liên Tôn hay chăng? Cha Angelo Amato đã trả lời cho biết, về vấn đề Đại Kết Kitô Giáo, bản văn kiện không nói một điều gì mới lạ, ngoài việc lập lại những gì đã được Công Đồng Chung Vaticanô II xác tín; còn về vấn đề Đối Thoại Liên Tôn, bản văn kiện chỉ đề ra một đường hướng hòa hợp, an bình và tương kính, do đó, sẽ không gây trở ngại gì. Vấn đề thứ hai là bức văn kiện có được tham khảo với các vị Giám Mục Á Châu hay chăng? Đức Tổng Giám Mục Bertone, Tổng Thư Ký của Thánh Bộ, cho biết bản văn kiện đã được tham vấn với các Hội Đồng Giám Mục Á Châu, đặc biệt riêng với các Giám Mục Ấn Độ qua một số phiên họp.

 

Đức Tổng Thư Ký còn cho biết, sở dĩ bức văn kiện này được gọi là “Bản Tuyên Ngôn”, vì nó:

 

·        Không truyền dạy những tín lý mới mẻ..., hơn là chỉ tái khẳng định và tóm gọn tín lý của đức tin Công Giáo đã được xác nhận và truyền dạy trong các văn kiện trước đây thuộc Huấn Quyền; từ đó, bản văn kiện đưa ra những giải thích chân thực đối với những sai lầm cũng như những mập mờ về tín lý đang lan tràn trong phạm vi thần học và giáo hội học tân tiến”.

 

Tuy nhiên, Đức Tổng Thư Ký cũng nhấn mạnh đến giá trị đức tin của văn kiện này, ở chỗ, cho dù là một Bản Tuyên Ngôn của một Thánh Bộ, nhưng vì được Đức Thánh Cha minh nhiên chuẩn nhận trong buổi triều kiến ngày 16/6/2000, qua công thức phê chuẩn ở đoạn cuối cùng của Bản Tuyên Ngôn: “certa scienta et apostolica Sua auctoritate” (bằng ý thức rõ ràng và theo tông quyền của mình), bức văn kiện ấy cũng thuộc về Huấn Quyền của Giáo Hội:

 

·        Công thức này cho thấy tầm quan trọng và chính yếu của tín lý được trình bày trong bản tuyên ngôn: tức là những gì trong bản tuyên ngôn đều là những chân lý thuộc đức tin thần linh Công Giáo, hay là những sự thật của tín lý Công Giáo cần phải được mạnh mẽ nắm giữ... Bởi thế, tín hữu buộc phải cương quyết và dứt khoát chấp nhận”.

 

CĂN NGUYÊN CỦA VĂN KIỆN

 

  Mục đích của Bản Tuyên Ngôn được xác định ở ngay đầu đoạn 3:

 

·        Bản Tuyên Ngôn đây muốn nhắc nhở cho các Vị Giám Mục, thần học gia, và toàn thể tín hữu Công Giáo, một số những yếu tố không thể bỏ qua về tín lý Kitô Giáo, những yếu tố có thể giúp cho thần học suy tư trong việc tìm kiếm những giải quyết hợp với đức tin và trong việc đáp ứng nhu cầu cấp thiết của văn hóa hiện đại”.

 

Thế nhưng, vấn đề ở đây là tại sao Bản Tuyên Ngôn này lại nêu lên “những yếu tố không thể bỏ qua về tín lý Kitô Giáo” ấy vào lúc này đây?

 

Trong cuộc họp báo để ban bố Bản Tuyên Ngôn này, Đức Hồng Y Tổng Trưởng tiết lộ cho biết bối cảnh của bức văn kiện như sau:

 

·        Một số thần học gia hơi có vẻ hòa dịu  tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, song cũng chủ trương rằng, vì bản tính nhân loại hạn hẹp của Đức Giêsu, do đó mạc khải của Thiên Chúa nơi Người không thể nào hoàn toàn và tối hậu được cả; bởi thế, mạc khải này cần phải được đối chiếu với ánh sáng của các mạc khải khả dĩ khác của Thiên Chúa nữa, những mạc khải được thể hiện qua các tinh hoa tôn giáo của nhân loại cũng như qua giáo tổ của các tôn giáo trên thế giới. Như thế, khách quan mà nói, người ta đã thấy được những tư tưởng sai lầm xuất hiện đó là chủ trương các tôn giáo trên thế giới hoàn trọn mạc khải Kitô Giáo”.

 

Đề cập đến chủ nghĩa tương đối và các hậu quả của nó, Đức Hồng Y Tổng Trưởng còn cho biết rằng, vấn đề là ở chỗ chủ nghĩa này xuất hiện như:

 

·        Một thứ triết lý nhân bản, thứ triết lý có khả năng bảo toàn tình cách nhân nhượng và dân chủ, song lại khiến thành phần cho mình là người bảo vệ căn tính Kitô Giáo và chủ trương truyền bá sự thật phổ quát cứu độ nơi mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, càng trở nên xa lạ hơn”.

 

“Xa lạ hơn” ở chỗ nào, Đức Hồng Y Ratzinger tiếp tục vạch rõ vấn đề như sau:

 

·        Nguyên tắc về sự nhân nhượng cùng tương kính theo tự do đã bị lèo lái và đi quá trớn đến độ mất quân bình, khi con người chấp nhận những nội dung, như thể tất cả các nội dung của mọi tôn giáo khác nhau cũng như những quan niệm phi tôn giáo về đời sống, đều có thể được đặt ngang hàng với nhau; và như thể chân lý phổ quát khách quan không còn hiện hữu nữa, vì Thiên Chúa hay Đấng Tối Cao tỏ mình ra dưới nhiều thứ danh xưng, và tất cả mọi danh xưng đều chân thực. Đây là một ý nghĩ nhân nhượng sai lầm có liên quan đến việc không biết và phủ nhận vấn đề về sự thật, một vấn đề thực sự đối với nhiều người ngày nay chỉ có một tầm vóc quan trọng thứ yếu không liên quan gì tới họ”.

 

Chính vì “ý nghĩ nhân nhượng sai lầm” này, “những sai lầm cũng như những mập mờ về tín lý đang lan tràn trong phạm vi thần học và giáo hội học tân tiến”, mới có Bản Tuyên Ngôn “Chúa Giêsu - Dominus Jesus”, liên quan đến Duy Nhất Tính của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội cùng Phổ Quát Tính Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội, một văn kiện được ký ban hành vào ngày Lễ Chúa Biến Hình, 6/8/2000.